Nở rộ dịch vụ thám tử tư – (Thám tủ hải phòng)

481

Không chỉ người có gia đình tìm đến dịch vụ thám tử tư xác minh việc ngoại tình của bạn đời, mà nhiều bạn trẻ cũng muốn tìm hiểu chân dung của người yêu trước khi kết hôn.
> ‘Nghề’ theo dõi người ngoại tình

Gõ từ “thám tử tư”, trên trang Google sẽ hiện lên vô vàn địa chỉ, trang web của các công ty cung cấp loại hình dịch vụ này từ Nam tới Bắc. Cùng với đó là những quảng cáo ấn tượng như: “Phá án chuyên nghiệp”, “Chúng tôi giúp quý vị quản lý con cái tốt hơn” hay “Không hài lòng, không mất tiền”…

Hơn 10 năm trong nghề, Nguyên (thám tử một văn phòng trên phố Thái Hà, Hà Nội) cho biết, trước đây cả Hà Nội và TP HCM số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ thám tử chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay không tính xuể. Tuy nhiên, công việc không vì thế ế ẩm mà nhiều lúc còn làm không hết việc. Giờ đây, khách hàng không chỉ ở trong nước mà còn cả người sống tại nước ngoài.

Trưởng văn phòng thám tử gần hồ Hoàng Cầu (Hà Nội) cũng thừa nhận “cầu” trong lĩnh vực này đang tăng mạnh. Nhiều lúc, ông phải từ chối khéo “thượng đế” vì còn nhiều hợp đồng vẫn chưa giải quyết xong.

Ông cho biết, phần đông khách hàng là những ông bố bà mẹ có con giận dỗi bỏ nhà khi bị mắng, thậm chí xin tiền không được hay bị ngăn cấm chuyện yêu đương…

“Ngoài ra còn nhiều người đến đặt hàng theo dõi chồng hoặc vợ nghi ngoại tình; tìm hiểu đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh hay “phá” các vụ trộm cắp vặt trong công ty… “, vị này tiết lộ.

Đặc biệt, gần đây lại đang có xu hướng người chuẩn bị kết hôn tìm muốn tìm hiểu lý lịch của người bạn đời trong tương lai cũng như các mối quan hệ hiện tại. “Đối tượng khách này chiếm 20% các hợp đồng của chúng tôi”, Trưởng văn phòng cho hay.

Một thám tử đang tác nghiệp. Ảnh: VDT.

Phí thuê thám tử khoảng một triệu đồng một ngày. Với những vụ theo dõi ngoại tình, tìm con cái… mất nhiều ngày thì khách phải trả vài chục triệu đồng cho một hợp đồng là bình thường.

Ông Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ cung cấp thông tin và thương mại Việt – VDT) cho rằng, dịch vụ thám tử ra đời đã giúp cơ quan công quyền giảm phần nào trọng trách. “Nhiều vụ việc công an chỉ ghi nhận, thông báo trong ngành dọc, chưa cử cán bộ đi làm ngay thì chúng tôi lại có thể thực thi ngay được”, ông nói.

Tuy nhiên trải lòng với VnExpress.net, nhiều thám tử tỏ vẻ buồn vì nghề này hiện chưa được pháp luật công nhận. Do đó, họ phải “hoạt động chui” dưới danh nghĩa cá nhân. Còn các công ty thì dè dặt trưng biển là “cung cấp dịch vụ thông tin”…

Theo luật sư Nguyễn Văn Tú (Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Hà Nội), kinh doanh dịch vụ thám tử không có trong hệ thống mã ngành kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa không có chức danh “thám tử viên”, hay gọi là thám tử. Đây chỉ là thuật ngữ tồn tại trong đời sống xã hội, không phải là thuật ngữ pháp lý.

Tuy nhiên, ông Tú cho biết hiện nay lại cũng chưa có văn bản nào nào cấm làm việc này. “Khi phát hiện bị người khác theo dõi, lấy hình ảnh, lấy thông tin cá nhân, sử dụng thông tin cá nhân… tùy theo mức độ và tính chất, bạn có thể nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, ông Tú khuyên.